Chuyên trang chia sẽ những văn bản Pháp Luật cập nhật nhất

Chỉ thị 13/CT-TTg 2023 khắc phục bất cập tư vấn đầu tư xây dựng công trình dự án giao thông vận tải cập nhật 06/2023

VỀ VIỆC LẬP LẠI TRẬT TỰ, KỶ CƯƠNG, KHẮC PHỤC NHỮNG BẤT CẬP ĐỐI VỚI CÔNG TÁC TƯ VẤN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÁC CÔNG TRÌNH, DỰ ÁN NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI Thời gian qua, công tác tư vấn đầu tư xây dựng các công trình, dự án ngành giao thông vận tải đã
Chỉ thị 13/CT-TTg 2023 khắc phục bất cập tư vấn đầu tư xây dựng công trình dự án giao thông vận tải cập nhật 05/2023

VỀ
VIỆC LẬP LẠI TRẬT TỰ, KỶ CƯƠNG, KHẮC PHỤC NHỮNG BẤT CẬP ĐỐI VỚI CÔNG TÁC TƯ VẤN
ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÁC CÔNG TRÌNH, DỰ ÁN NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI

Thời gian qua, công
tác tư vấn đầu tư xây dựng các công trình, dự án ngành giao thông vận tải đã
đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng vẫn còn bộc lộ một số bất cập, đặc
biệt trong khảo sát, thiết kế; số liệu, thông tin khảo sát chưa đầy đủ, thiếu
đồng bộ, thiếu chính xác; sơ bộ tổng mức đầu tư, tổng mức đầu tư, dự toán xây
dựng công trình chưa phù hợp với thực tế, dẫn đến rất nhiều dự án phải điều
chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án đầu tư, điều chỉnh vốn, tổng mức đầu
tư, dự toán… ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả đầu tư dự án. Mặc dù Bộ Giao
thông vận tải đã có nhiều biện pháp khắc phục, kịp thời chấn chỉnh nhưng vẫn
chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Để lập lại trật tự, kỷ cương,
khắc phục những bất cập trong công tác tư vấn đầu tư xây dựng các công trình,
dự án ngành giao thông vận tải, góp phần đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất
lượng, hiệu quả công trình, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Bộ Giao thông vận tải: Thực
hiện đúng quy định của pháp luật đối với hoạt động tư vấn đầu tư xây dựng; kiên
quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm về trình tự, thủ tục,
quản lý chất lượng, tiến độ, quản lý chi phí. Tổ chức thanh tra, kiểm tra đối
với các dự án chậm tiến độ; chấn chỉnh công tác lựa chọn tư vấn; quản lý chặt
chẽ hợp đồng tư vấn (lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu
khả thi, thiết kế, dự toán; thẩm tra; giám sát). Kiểm soát chặt chẽ việc lựa
chọn, quản lý thầu phụ; xử lý nghiêm các hành vi chuyển nhượng thầu, bán thầu trái
quy định của pháp luật; không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực, lợi ích
nhóm. Trong đó tập trung chỉ đạo một số nội dung sau:

a) Về công tác khảo sát

– Kiểm tra chặt chẽ năng lực
thực tế của đơn vị khảo sát so với hồ sơ dự thầu/hồ sơ đề xuất, bảo đảm chất
lượng trong việc lập, phê duyệt nhiệm vụ khảo sát, nhiệm vụ thiết kế (đầy đủ số
liệu khảo sát địa hình, địa chất, thủy văn, đặc biệt tại các khu vực nền đất
yếu, khu vực có điều kiện địa chất phức tạp…).

– Chấn chỉnh công tác khảo sát,
đặc biệt khảo sát địa chất, phê duyệt báo cáo kết quả khảo sát, lưu ý khi khảo
sát điều tra các mỏ vật liệu, bãi đổ thải phải khảo sát kỹ lưỡng về vị trí, trữ
lượng, chất lượng, khả năng cung ứng của các mỏ, thủ tục khai thác, trữ lượng của
các bãi đổ thải, đường vận chuyển, phương án sử dụng đường công vụ
nội, ngoại tuyến đáp ứng yêu cầu của dự án; kiểm soát chất lượng hồ sơ, nghiệm
thu đúng quy định của pháp luật.

– Tính toán chi phí giải phóng
mặt bằng phải điều tra làm rõ diện tích, loại đất… thỏa thuận với địa phương về
đơn giá, kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng, bảo đảm không làm tăng tổng mức đầu
tư trong quá trình thực hiện.

b) Về tư vấn thiết kế

– Nâng cao trách nhiệm, bảo đảm
chất lượng trong công tác điều tra, khảo sát xây dựng gắn với nhu cầu vật liệu
xây dựng (đất, đá, cát, sỏi), đánh giá tác động môi trường…; thẩm định thiết
kế, lựa chọn phương án kỹ thuật phải bảo đảm tính bền vững công trình, thích
ứng biến đổi khí hậu.

– Thực hiện nghiêm túc công tác
giám sát tác giả theo quy định, kịp thời phối hợp với các chủ thể tham gia dự
án để giải quyết các vấn đề liên quan đến điều chỉnh thiết kế trong quá trình
thi công; khắc phục kịp thời các tồn tại, hạn chế của hồ sơ đã được cơ quan
chức năng chỉ ra trong quá trình thực hiện, kịp thời hoàn thiện hồ sơ thiết kế
điều chỉnh để không làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công trình; chịu
trách nhiệm theo quy định của pháp luật về chất lượng công tác khảo sát, thiết
kế; nghiên cứu giải pháp thiết kế tối ưu, công nghệ phù hợp với điều kiện địa
hình, địa chất, thủy văn khu vực dự án; công tác lập dự toán xây dựng công
trình phải bảo đảm tính đúng, tính đủ… không làm tăng vốn trong quá trình thực
hiện dự án.

– Kiểm soát chặt chẽ chất lượng
hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế triển
khai sau thiết kế cơ sở theo đúng quy định của pháp luật.

c) Về tư vấn thẩm tra: Thực
hiện nghiêm yêu cầu về tính độc lập về pháp lý, tài chính với chủ đầu tư và các
nhà thầu tư vấn lập thiết kế xây dựng; bố trí cán bộ đủ năng lực, phù hợp với
quy mô, loại và cấp công trình; nâng cao chất lượng công tác thẩm tra; chịu
trách nhiệm trước pháp luật và chủ đầu tư về kết quả thẩm tra.

d) Về tư vấn giám sát

– Hợp đồng tư vấn giám sát phải
chặt chẽ, đầy đủ, xác định rõ trách nhiệm của tư vấn giám sát; có cơ chế xử
phạt, xử lý nghiêm nhà thầu khi vi phạm hợp đồng, không giám sát chặt chẽ dẫn đến
chất lượng công trình không bảo đảm. Kiểm soát chặt chẽ việc huy động nhân sự
của tư vấn giám sát với hồ sơ dự thầu/hồ sơ đề xuất. Thực hiện đầy đủ quyền
hạn, trách nhiệm theo hợp đồng và quy định của pháp luật, chịu trách nhiệm toàn
diện trước pháp luật và chủ đầu tư về những công việc được giao.

– Kiểm soát công tác thí nghiệm
(bảo đảm phòng thí nghiệm hợp chuẩn, thí nghiệm viên đủ điều kiện năng lực thực
hiện công việc, kết quả thí nghiệm bảo đảm chính xác, khách quan, minh bạch);
thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu tuân thủ các điều khoản hợp đồng đã
ký kết. Giám sát chặt chẽ chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của vật tư, vật liệu và
thiết bị sử dụng cho công trình, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu của hồ sơ thiết kế,
chỉ dẫn kỹ thuật của dự án.

đ) Kiểm tra, rà soát
một số dự án đường cao tốc có cốt đường cao hơn bình thường làm tăng nhu cầu
vật liệu đắp nền; xem xét kỹ lưỡng điều kiện thoát lũ, phù hợp dòng chảy;
nghiên cứu phương án làm cầu cạn, hạ thấp cốt đường, thay hầm dân sinh bằng cầu
vượt đường cao tốc ngay từ khi lập dự án để có các phương án sử dụng vật liệu
xây dựng và mặt bằng thi công.

2. Bộ Xây dựng

– Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao
thông vận tải và các cơ quan có liên quan ban hành hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền
ban hành quy định quản lý chặt chẽ chi phí, định mức xây dựng, suất đầu tư phù
hợp với từng khu vực; hướng dẫn, kiểm tra các địa phương công bố giá các loại
vật liệu xây dựng thông thường, chỉ số giá đầy đủ, phù hợp với điều kiện thực
tế, đúng quy định pháp luật.

– Rà soát định mức, chi phí tư
vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra, quản lý dự án… bảo đảm tính đúng, tính đủ nhằm
huy động, thu hút được nguồn nhân lực có chất lượng cao trong điều kiện đặc thù
của ngành giao thông vận tải. Nghiên cứu định mức chi phí cho công tác thiết kế
theo hạng mục công trình, không phụ thuộc vào chi phí xây dựng, tổng mức đầu tư,
tránh việc các tư vấn lựa chọn các giải pháp thiết kế có chi phí đầu tư cao,
nâng tổng mức đầu tư, không bảo đảm tính kinh tế, kỹ thuật.

– Tăng cường công tác thanh
tra, kiểm tra, giám sát việc cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng, chứng
chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động xây dựng (đối với nhà thầu nước ngoài)… của
các tổ chức tư vấn, cá nhân trong và ngoài nước thuộc phạm vi quản
lý nhà nước của Bộ Xây dựng.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường:
Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc ban hành giá đất của các địa
phương hằng năm, bảo đảm phù hợp khung giá đất được Chính phủ ban hành, mức giá
bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất. Khẩn trương hướng dẫn, giải quyết các khó khăn,
vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; trình tự, thủ tục
liên quan đến khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, bãi đổ
thải, bảo đảm nhà thầu có thể khai thác được ngay vật liệu xây dựng phục vụ thi
công.

4. Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương có liên quan

– Kịp thời công bố giá các loại
vật liệu xây dựng thông thường, chỉ số giá… theo thẩm quyền và quy định của
pháp luật; căn cứ khung giá đất được Chính phủ ban hành, tổ chức xây dựng, ban
hành bảng giá đất, bảng giá đất điều chỉnh phù hợp với từng địa phương. Kiểm
tra, kiểm soát chặt chẽ giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá, giá đất; chỉ đạo các
đơn vị trực thuộc thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường để kịp
thời cập nhật, công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá bảo đảm đầy đủ, phù hợp
thực tế. Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan kiểm tra, rà soát chi phí giải
phóng mặt bằng, hạn chế tăng vốn trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

– Thực hiện đúng chỉ đạo của
Chính phủ giao mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cho nhà thầu
thi công; không để xảy ra việc giao mỏ không đúng đối tượng, làm nảy
sinh hoạt động “mua đi, bán lại” tăng giá vật liệu; chủ động rà soát các
mỏ vật liệu đã cấp, có biện pháp xử lý kịp thời đối với mỏ cấp không đúng quy
định; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với tình trạng “găm
hàng”, liên kết (giữa các chủ mỏ vật liệu) để nâng giá, làm ảnh hưởng thi công
dự án. Chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ giá vật liệu xây dựng theo
quy định.

5. Giao Bộ trưởng Bộ Giao thông
vận tải theo dõi, đôn đốc quá trình thực hiện Chỉ thị này, báo cáo Thủ tướng
Chính phủ kết quả thực hiện./.


Nơi nhận:
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Các Bộ: TP, KHĐT, TC, XD, GTVT, TNMT, NN&PTNT;
– Thanh tra Chính phủ;
– UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
– Đài Truyền hình Việt Nam;
– Đài Tiếng nói Việt Nam;
– Thông tấn xã Việt Nam;
– VPCP: BTCN, các PCN; Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT; các Vụ: TH, PL, KTTH, NN,
QHQT, QHĐP, TH;
– Lưu: VT, CN (2b) pvc.

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG

Trần Hồng Hà

We will be happy to hear your thoughts

Leave a reply

Itriip - Soạn thảo văn bản nhanh
Logo
Register New Account
Đăng nhập để theo dõi và nhận thưởng
Reset Password